Phan Chí Tường, Lại Thị Hồng Duyên, Hồ Thị Thanh Hiền
Than sinh học ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong cải tạo đất, lưu trữ cacbon, và xử lý nước. Nghiên cứu này sử dụng phương pháp nhiệt phân chậm tại 350oC, 450oC, và 550oC trong 2 giờ để đánh giá hiệu suất điều chế và một số đặc tính hóa lý của than sinh học lục bình. Kết quả thực hiện cho thấy hiệu suất điều chế than sinh học lục bình càng thấp khi nhiệt độ điều chế càng cao, cụ thể hiệu suất điều chế ở 550oC đạt 35,2% và cao nhất ở 350oC với 47,7%. Hàm lượng cacbon cố định cao nhất đạt 56% tại nhiệt độ 450oC. Giá trị pH của than sinh học điều chế ở các nhiệt độ khảo sát (7,3-10,3) đều lớn hơn pH pzc (6,9-9,3) phản ánh bản chất kiềm của than sinh học, đồng thời cho thấy bề mặt than sinh học tích điện âm. Thông tin về hiệu suất điều chế và một số đặc tính hóa lý của than sinh học lục bình là cơ sở để chọn lựa điều kiện điều chế phù hợp với các ứng dụng cụ thể hoặc nghiên cứu tiếp theo trong tương lai.